Đời sống Giải trí

Trò chơi dân gian, có phải chỉ còn trong tiềm thức

Giới trẻ và những người trưởng thành thuộc thế hệ 9x trở về trước chắc chắn chẳng còn xa lạ gì với những trò chơi dân gian như kéo co, trốn tìm, nhảy ngựa hay bịt mắt bắt dê. Đó là những trò chơi gắn liền với một phần tuổi thơ đáng nhớ nhiều kỷ niệm. Những trò chơi ấy đến ngày nay dường như đã không còn phổ biến, sự phát triển của những thiết bị công nghệ hiện đại giúp trẻ em làm quen với nhiều điều mới, các loại game hình ảnh đẹp, nội dung hấp dẫn. Trò chơi dân gian có phải đã dần biết mất hay không?

Những trò chơi quen thuộc của thế hệ trước

Nếu là một người thuộc thế hệ 9x trở về trước, tên các trò chơi dân gian như đuổi bắt, bịt mắt bắt dê, lộn cầu vồng, đập niêu, trò chơi bánh xe quay chắc chắn không hề xa lạ. Ở thời đó các trò chơi vận động tập thể được các bạn nhỏ chơi sau giờ học, trong những ngày hè và còn được chơi ở bất kỳ đâu có thể từ sân vườn, ngõ xóm. Chỉ cần có thời gian rảnh rỗi là trẻ con trong khu phố lại cùng nhau tụ họp để vui chơi. Luật chơi có thể có từ trước cũng có thể là do tự người chơi đặt ra. Việc thêm thắt những luật chơi mới, thú vị khiến quá trình chơi ngày càng hấp dẫn. Thời gian cùng nhau vui chơi dường như chẳng bao giờ kết thúc cho đến khi bị mẹ gọi về ăn cơm, đến khi trời đã tối. Đó thực sự là những giờ phút ý nghĩa, cũng nhờ những trò chơi ấy mà những đứa trẻ từ bất kỳ đâu cũng có thể làm bạn với nhau, tương tác và trò chuyện, việc làm quen thực sự tự nhiên mà không hề có chút rào cản khó khăn nào.

Với những trò chơi ấy, việc thắng thua dường như không quá quan trọng, quan trọng là những bạn nhỏ có thời gian thực sự thư giãn sau những giờ học. Chẳng thế mà cứ mỗi buổi chiều đi ngang qua các con ngõ, phú phổ nhỏ không khó để bắt gặp hình ảnh các em cũng nhau vui chơi rộn ràng. Trò chơi dân gian với những câu chyện về nguồn gốc, những sự gắn bó với nhiều thế hệ theo thời gian được coi là một yếu tố văn hóa không thể bị mai một. 

Trẻ em ngày nay chơi gì? 

Đối với trẻ em ngày này, trò chơi dân gian dường như là một khái niệm có phần xa lạ, những đứa trẻ được sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển vốn đã quen với các thiết bị điện tử. Smart phone, ipad, máy điện tử cầm tay, đó là những người bạn không thể thiếu giúp các em giải trí. Chơi điện tử thực sự không xấu, nhều trò chơi mang tính sáng tạo, đòi hỏi suy nghĩ và khả năng phản xạ của người tham gia chơi. Chơi điện tử cũng giúp các em tư duy nhanh nhạy hơn, làm quen với việc đưa ra các quyết định có cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên có một điều mà những trò chơi điện tử không làm được đó là sự tương tác thực tế, vận động thể chất. Chính vì vậy mà nhiều bạn nhỏ đắm chìm trong thế giới ảo mà vô tình tự thu mình với thế giới bên ngoài. Các em để mình trong những bức tường, giành cả mùa hè để chơi game mà quên mất cũng có rất nhiều thứ xung quanh để tự do khám phá. 

Làm thế nào để trờ chơi dân gian đến được gần hơn với các bạn trẻ 

Trên thực tế hiện nay để khuyến khích trẻ em vận động nhiều hơn, vui chơi nhiều hơn đồng thời giữ lại ý nghĩa của những trò chơi dân gian truyền thống, nhiều hoạt động thú vị đã được ra đời. Các trại hè dành cho trẻ em, các khu vui chơi tại những công viên, các địa điểm dã ngoài thực tế. Lồng ghép trong các trò chơi vận động thể chất ấy, các em được chơi trò chơi dân gian, tìm hiểu về ý nghĩa nguồn gốc những trò chơi này. Và quan trọng hơn cả là các bạn nhỏ có được thời gian vui vẻ vận động ngoài trời, nâng cao sức khỏe thể chất, làm quen với nhiều thử thách thay vì dành cả ngày trước màn hình điện thoại hay máy tính. Việc gìn giữ những trò chơi dân gian truyền thống không quá khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ, chỉ cần có sự đầu tư cách tổ chức phù hợp, những trò chơi ấy sẽ có thể đến gần hơn với các em nhỏ.

Mong rằng qua những chia sẻ này, ba mẹ sẽ có thêm những phương pháp để giúp con được tham gia những trò chơi vận động tập thể như một hoạt động thú vị trong những thời gian rảnh rỗi. Hy vọng những trò chơi dân gian quen thuộc với nhiều thế hệ sẽ tiếp tục được gìn giữ và đến gần hơn với các bạn nhỏ ngày nay. 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *