Đời sống Giải trí

Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ “Đất nước” đi cùng năm tháng

Không có một lứa tuổi học sinh nào lại không biết đến “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nay phổ biến hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nguyễn Khoa Điềm đã làm được điều mà không phải nhà thơ nào cũng làm được – đưa bài thơ sống cùng năm tháng.

Đôi điều về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Đất nước

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ sinh ra và lớn lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không chỉ vậy, ông còn là người nhìn đất nước từng ngày đổi mới và đi lên xây dựng trong thời bình. Có thể nói, hơn ai hết, Nguyễn Khoa Điềm hiểu và yêu đất nước như chính hơi thở của mình. Có lẽ vì thế mà ông mới có thể tạo nên một “Đất nước” chứa chan cảm xúc trong từng câu chữ.

Trong cuộc đời sáng tác của mình, tác giả có hơn 40 tác phẩm để đời. Trong đó, 6 tập thơ của ông đã được xuất bản và truyền tải rộng rãi đến nhiều đối tượng độc giả. Bài thơ “Đất nước” mà ai trong chúng ta cũng một lần trong đời được học, được đọc trích từ trường ca “Mặt đường khát vọng” (1974) của nhà thơ. Trường ca gồm 9 tập, tuy nhiên, có thể khẳng định, bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm là bài thơ nổi tiếng vang dội nhất của nhà thơ. Dù qua bao lâu thời gian thì có lẽ không ai trong chúng ta là không nhớ đến những vần thơ:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Bao lứa học sinh đi qua, nhưng vần thơ vẫn có đó, chất chứa đầy những yêu thương. Và hơn hết, bao thế hệ dù có hiện đại đến đâu, có lẽ khi nói đến đây vẫn lâng lâng dâng trào cảm xúc như mới hôm qua. Thơ của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ làm người ta thổn thức mà còn làm người ta hồi tưởng và hướng về tương lai.

Nguyễn Khoa Điềm không đơn giản chỉ là một nhà thơ

Chúng ta thường thấy, những con người sống với nghệ thuật họ thường không thích sự gò bó và luôn muốn tìm đến sự tự tại. Tuy nhiên, cũng không ngoại lệ trường hợp từ xưa đã có nhiều nhà văn, nhà thơ ngoài làm thơ thì còn tham gia chính trị hoặc những công việc khác. Nguyễn Khoa Điềm của chúng ta cũng không ngoại lệ. Ông ngoài là một nhà thơ thì còn là một nhà chính trị. 

Nói đúng hơn, Nguyễn Khoa Điềm tham gia chiến tranh, làm chính trị trước khi ông là một nhà thơ được nhiều người ngưỡng mộ như hiện nay. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Có thể nói, ông là một nhà thơ nhưng tâm hồn ông không phải lúc nào cũng mơ mộng. Ông cân nhắc và biết lúc nào cần bay bổng thì bay bổng, lúc nào cần hiện thực thì hiện thực. Vì thế, Nguyễn Khoa Điềm mới có thể dễ dàng vừa hoạt động nghệ thuật lại vừa đảm nhiệm những chức vụ quan trọng mà không làm ảnh hưởng đến nhau. Do đó, ông làm thơ hết mình và làm chính trị hết sức. Người ta biết đến Nguyễn Khoa Điềm và càng yêu quý ông hơn vì thế. 

Điểm qua các giải danh giá thưởng của Nguyễn Khoa Điềm

Trong cuộc đời sáng tác và đi theo con đường nghệ thuật của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã cống hiến hết mình. Với ông, sáng tác vì đó là một phần của lẽ sống. Nhưng những gì ông làm được chúng ta không thể chỉ thừa nhận bằng lời nói. Vì thế, nhà nước đã dành tặng những giải thưởng danh giá cho nhà thơ:

  • Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”
  • Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (đoạt giải B) với tập thơ “Cõi lặng” – năm 2010
  • Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

Nguyễn Khoa Điềm – nhà thơ “sinh” ra từ chiến tranh

Dù sinh ra và lớn lên trong hai cuộc kháng chiến nhưng nói chính xác hơn là Nguyễn Khoa Điềm trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng từng tâm sự, chính có cuộc chiến đã sinh ra ông, một nhà thơ vĩ đại của dân tộc: “không có cuộc chiến đấu này chưa chắc tôi đã làm thơ và trở thành nhà thơ.”

Chiến tranh đã truyền cảm hứng cho ông, khí thế chiến đấu hừng hực sục sôi của người dân từ Bắc chí Nam đã cho ông ngọn lựa nhiệt huyết thơ ca. Và chính từ đây, “Mặt đường khát vọng” ra đời. Đồng nghĩa với việc, “Đất nước” cũng ra đời. Một nhà thơ thông thường muốn làm thơ thì từ quá trình thai nghén đến khi hoàn thành tác phẩm là một thời gian dài. Riêng Nguyễn Khoa Điềm với một trường ca dài 9 tập mà chỉ trong vòng 1 tháng ông đã hoàn tất. Như vậy cũng đủ thấy, cảm hứng, nhiệt huyết trong ông rực cháy thế nào. Thành tích đáng nể của Nguyễn Khoa Điềm khiến chúng ta phải nể phục và dành những lời khen ngợi có cánh cho sức làm việc phi thường này.

Điều bất ngờ không phải ai cũng biết về “Mặt đường khát vọng”

Thời bấy giờ, mọi suy nghĩ và công việc đều là vì dân vì nước và hầu như mọi thứ nghĩ cho riêng bản thân được xem là ích kỷ. Vì thế, văn chương, thơ ca sinh ra là để dành phục vụ cho chiến đấu thay vì để kinh doanh như hiện nay. Vậy mà, “Mặt đường khát vọng” là một đơn đặt hàng chính hiệu thời bấy giờ. Lúc này thay vì lên tiếng chỉ trích thì tác phẩm của nhà thơ lại được truyền tai nhau từ quân khu này đến quân khu khác. Người người dùng nó như là một món quà tinh thần để có thêm động lực chiến đấu vì tổ quốc mai sau.

Đến thời điểm hiện tại, người ta không còn kỵ việc kinh doanh văn chương nhưng văn chương vẫn là một cái gì đó thiêng liêng và chỉ người hiểu – yêu mới dùng được. Vậy mà, bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm đi qua bao thăng trầm lịch sử, bao thế hệ vẫn là tuyệt phẩm truyền đời.

Bên cạnh đó, “Đất nước”  của Nguyễn Khoa Điềm được ra đời đúng lúc, đúng thời điểm nên đã góp phần không nhỏ cho tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân ta. Bài thơ như ánh lửa tiếp thêm động lực cho những ngọn lửa sục sôi khác. Có lẽ vì thế mà đến hiện nay, bài thơ vẫn là một trong những tác phẩm truyền lửa cho người người.

=> Nghe những ca khúc ngợi ca quê hương đất nước ở đây

“Đất nước” là nơi nhìn rõ nhất hồn thơ của Nguyễn Khoa Điềm

Mỗi một nhà thơ có một phong cách sáng tác riêng, một hồn thơ riêng. Tuy nhiên, không phải nhà thơ nào cũng có thể tạo nên sự khác biệt cho bản thân ngay tác phẩm đầu tay. Ấy vậy mà, Nguyễn Khoa Điềm lại làm được điều đó.

Với “Mặt đường khát vọng”, cụ thể hơn là Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên sự khác biệt cho hồn thơ của mình. Một hồn thơ phóng khoáng, tinh tế, tràn đầy cảm xúc trong từng câu chữ là những gì chúng ta thấy được ở những bài thơ của ông. Không chỉ vậy, người đọc còn dễ dàng nhận thấy sự tin tưởng vào chiến thắng và niềm yêu tổ quốc thiêng liêng của Nguyễn Khoa Điềm qua những vần thơ.

Câu từ, văn phong của ông có thể không trau chuốt, bóng bẩy như nhiều nhà thơ khác nhưng nó lại chất chứa và chuyên chở những gì thật nhất, sâu nhất trong lòng ông. Mỗi một chữ, một câu là cả tâm hồn, cảm xúc và con tim tin yêu nhà thơ đặt vào trong đó. Vậy nên, lời thơ bình dị, gần gũi mà vẫn thiết tha, cuốn hút. Chính những điều này đã giúp cho thơ Nguyễn Khoa Điềm dễ dàng tiếp cận và đi vào  lòng người hơn bao giờ hết.

Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Có lẽ, ai đã đọc qua “Đất nước” đều “dặn dò con cháu chuyện mai sau” hãy tiếp tục đọc và yêu Đất nước như một phần máu xương của mình. Vì thế, cái tên Nguyễn Khoa Điềm hôm nay hay mai sau vẫn sẽ trường tồn cùng “Đất nước”.

=> Những danh nam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam được UNESCO công nhận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *