Mỗi khi Tết đến xuân về, nhà nào cũng bật list nhạc Tết hay dưới đây mà nghe hoài không chán. Xuân năm nào các ca khúc này cũng vang lên ở khắp các con phố, ngõ hẻm. và tô đậm thêm sắc xuân tươi thắm ở muôn nơi
Ngày Tết quê em
Ca khúc này được cố nhạc sĩ Từ Huy sáng tác từ năm 1994. Có lẽ đây chính là một trong số những ca khúc nằm trong list nhạc Tết hay lâu đời nhất vẫn thường xuyên được nghe thấy cho đến ngày nay. Ngay cả những thế hệ “lớn tuổi” như 8x, 9x cũng đã quá đỗi quen thuộc với bài hát này bởi chúng ta đã thuộc làu ngay từ khi còn rất nhỏ.
Nổi tiếng và phổ biến là vậy nhưng không phải ai cũng biết những câu chuyện thú vị xung quanh nó. Điều thú vị đầu tiên phải kể đến đó là đoạn điệp khúc của Ngày Tết quê em. Hẳn suốt cả bài hát, bạn ấn tượng nhất với những câu hát “Tết Tết Tết Tết đến rồi!”. Thực chất đoạn điệp khúc này được phóng tác từ tiếng pháo nổ. Câu hát trên được lấy cảm hứng từ tiếng pháo “tách, tách, tách, tách, tách, đùng”. Theo chỉ thị của nhà nước, bắt đầu từ năm 1995, cấm sản xuất và đốt pháo hoàn toàn trên khắp cả nước. Bởi vậy, để lưu giữ âm thanh quen thuộc đặc trưng của ngày Tết cổ truyền này, nhạc sĩ Từ Huy đã phóng tác chúng thành “Tết Tết Tết Tết đến rồi!”. Giờ bạn hãy thử thay câu hát trên bằng âm thanh tiếng pháo nổ mà xem. Bạn nhận thấy sự tương đồng rồi chứ
Mùa xuân ơi
Một điều thú vị khác nữa cũng liên quan đến ca khúc Ngày Tết quê em, đó là có một chút điểm tương đồng với bài hát Mùa xuân ơi. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện – tác giả của Mùa xuân ơi, kể lại, thời trẻ ông và nhạc sĩ Từ Huy chơi chung một nhóm, rất thân với nhau. Năm 1994, ông phải làm chương trình Tết cho hãng phim phương Nam. Mà thời ấy kiếm được list nhạc Tết hay rất khó. Bởi vậy nhóm bạn đã quyết định mỗi người sáng tác 1 bài. Sau khi cố nhạc sĩ Từ Huy ra mắt Ngày Tết quê em, ca khúc nhanh chóng nhận được sự yêu mến của khán giả. Đi đến đâu cũng thấy văng vẳng giai điệu của bài hát này. Vì thế nhạc sĩ Ngọc Thiện đã nảy ra ý định sáng tác một ca khúc để đời.
Ông đã viết nên bài hát Mùa xuân ơi, lấy cảm hứng từ bài hát của bạn mình và cũng mô phỏng lại tiếng pháo. Nhưng thay vì chọn chữ “Tết”, ông lại dùng chữ “Xuân” vì sợ “đụng hàng” với nhạc sĩ Từ Huy và sợ bị Từ Huy trách lấy ý tưởng. Bởi vậy, ta mới thấy hai câu hát “Xuân xuân ơi xuân đã về” và “Tết Tết Tết Tết đến rồi” hao hao nhau. Kể từ sau thành công của 2 ca khúc kể trên, các nhạc sĩ Việt Nam đã đầu tư công sức cho ra đời list nhạc Tết hay nhiều hơn.
Ca khúc Mùa xuân ơi có lẽ là bản nhạc xuân ngắn nhất. Dù chỉ có vỏn vẹn 16 câu hát ngắn gọn, bài hát vẫn nêu bật được không khí rộn ràng của ngày đầu năm. Nói về hoàn cảnh ra đời, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết ban đầu ông không định viết ca khúc này. Bởi thời ấy, bài Mùa xuân lộc mới vẫn còn đang thịnh hành. Bài Hoa xuân ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng rất hay. Và cả Lời tỏ tình mùa xuân của Thanh Tùng vẫn chưa hề giảm nhiệt.
Có một điều đặc biệt là hiếm khi thấy ai hát đơn ca bài Mùa xuân ơi mà thường là tốp ca nhiều người hát. Bởi vốn dĩ ban đầu khi dựng ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cũng chủ đích là dành cho nhóm Tam ca Áo trắng thể hiện.
Đoản xuân ca
Đoản xuân ca là sáng tác của một nhạc sĩ vô cùng nổi tiếng – nhạc sĩ Thanh Sơn. Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn từng chia sẻ, ông có một tình yêu đặc biệt với mùa xuân. Nó luôn mang lại cho ông cảm giác vừa bồi hồi, rộn rã, vừa phấn chấn, xốn xang. Tình yêu với mùa đẹp nhất trong năm của cố nhạc sĩ đã từng được ông bày tỏ trong bài hát Đoản xuân ca: “Xuân ơi xuân vẫn muôn đời yêu mến xuân”. Tình yêu mùa xuân được nhạc sĩ Thanh Sơn bộc lộ như tình cảm dành cho người yêu, bằng cách nhân hóa gọi tên: “xuân ơi xuân”. Tiếng gọi nghe thân thường và trìu mến đến lạ.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, những ca khúc về mùa xuân của ông không nhiều, nhưng đều gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí của khán giả. Các bài hát đó gắn liền với tên tuổi của những ca sĩ lớn của dòng nhạc trữ tình, quê hương như: Quang Linh với Đoản xuân ca, Như Quỳnh với Xuân đẹp làm sao, Hương Lan với mùa xuân hoa đào,…
Xuân đã về
Xuân đã về là bài hát rất nổi tiếng từ cuối thập niên 1950. Đến tận ngày nay, ca khúc này vẫn vô cùng phổ biến trong list nhạc Tết hay. Bài hát này do nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác, được viết theo nhịp 2/4 với tiết tấu vui tươi, giai điệu rộn ràng. Ca khúc Xuân đã về đợc sáng tác vào mùa xuân năm 1954 và được in lần đầu tiên do Nhà xuất bản Tinh Hoa. Ca khúc đã được thể hiện rất thành công bởi rất nhiều nghệ sĩ, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Cẩm Ly, nhóm 1088, Trish Thùy Trang và dàn hợp ca của Trung tâm ca nhạc Thúy Nga.
Khúc giao mùa
Trong list nhạc Tết hay kể trên, bài hát Khúc giao mùa có lẽ là có “tuổi đời” trẻ nhất. Ca khúc được nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác năm 2002, lần đầu tiên được ra mắt khán giả là trong album Vẫn mãi mong chờ của diva – ca sĩ Mỹ Linh. Góp giọng với Mỹ Linh năm đó có cả ca sĩ Minh Quân. Nhờ có ca khúc này, tên tuổi của Minh Quân bắt đầu được biết đến và trở thành tấm vé đưa anh đặt chân vào làng nhạc Việt. Khúc giao mùa mang đến cho người nghe một cảm giác ấm áp, tràn đầy tình yêu, niềm hạnh phúc. Một niềm vui, niềm hạnh phúc rất nhẹ nhàng và lặng lẽ. Vào khoảnh khắc đất trời giao thoa giữa năm cũ và năm mới, những màn pháo hoa đầy sắc màu tô điểm trên nền trời cao thì bản nhạc Khúc giao mùa đã góp phần làm cho niềm hân hoan đón Tết được thêm phần trọn vẹn.
Đây cũng là một trong số ít những ca khúc nằm trong list nhạc Tết hay nhất mà trong nhan đề không có chữ “xuân”. Cùng thưởng thức thêm nhiều list nhạc Tết chọn lọc mới hơn khác trên ứng dụng Nhac.vn để giúp không khí xuân được thêm tưng bừng.