Đời sống Giải trí

Văn khấn rằm và những điều cần biết

Theo tục lệ cổ truyền thì mỗi dịp mùng một âm lịch hay đặc biệt là mỗi dịp rằm hàng tháng, các gia đình người Việt thường có tục làm lễ cúng để khấn gia tiên và gia thần để cầu mong mọi điều tài lộc và may mắn sẽ đến với bản thân và con cháu. Vào mỗi lễ cúng rằm, ngoài những lễ vật cần phải chuẩn bị thì gia đình sẽ phải làm lễ khấn, trong đó có một phần không thể nào thiếu là đọc văn khấn rằm. Vậy bài văn khấn này cụ thể sẽ được chuẩn bị ra sao, nội dung như thế nào? Nếu muốn biết thì bạn đừng bỏ qua bài viết sau đây nhé.

Lễ cúng rằm quan trọng thế nào?

Theo phong tục truyền đời của người Việt Nam, ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng sẽ được gọi ngày ngày sóc và ngày rằm được gọi là ngày vọng. Chữ vọng mang ý nghĩa nhìn xa trông rộng, vì vậy nên ngày vọng chính là ngày của mặt trăng, ngày mặt trời và mặt trăng đối xứng với nhau tại hai cực xa nhất trong tháng. Ông bà ta quan niệm rằng vào ngày này, mặt trời và mặt trăng sẽ thấu suốt nhau, soi chiếu thẳng vào mọi tâm hồn. Con người ở dương thế càng được thấu suốt càng trở nên trong sạch, mọi  vẩn đục tăm tối trong lòng cũng được đẩy lùi.

Phong thủy tâm linh cho rằng nhờ sự thông suốt của mặt trăng và mặt trời này mà các đấng thần thánh và ông bà tổ tiên cũng sẽ được tương thông hơn với người sống trên dương gian. Lòng thành và mọi lời khấn nguyện của người thường sẽ đạt được sự cảm ứng của quỷ thần trong “thiên địa nhân” tiểu vũ trụ, vì vậy mà cuộc sống con người sẽ luôn được an lành. Chính vì ý nghĩa kể trên mà người Việt ta rất coi trọng ngày vọng – ngày rằm. Đây còn được xem là ngày tốt nhất trong tháng, là ngày “cát tường” để tưởng nhớ và làm lễ thờ cúng ông bà ông vải, mong gia tiên và thần phật sẽ tiếp tục phù hộ độ trì cho gia đình mình. 

Cũng theo tục lệ để lại thì lễ cúng rằm có thể thực hiện đúng vào ngày 15 hàng tháng hoặc vào chiều ngày 14 đều được. Vào đúng ngày rằm thì ta có thể cúng vào giờ mão (từ 5h tới 7h) hoặc giờ thìn (từ 7h cho tới 9h). 

Trong các dịp cúng rằm xuyên suốt cả tháng thì lễ cúng rằm tháng giêng được xem là dịp đặc biệt nhất, còn được gọi là tết Thượng Nguyên hay tết Nguyên Tiêu. Dân gian ta có câu “Cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng” là vì đây là ngày rằm đầu tiên của năm mới, đồng thời thì tết Nguyên Tiêu còn là tết nằm trong hệ thống Thượng – Trung – Hạ Nguyên với ý nghĩa hướng thiên cầu phúc, địa quan xá tội, thủy quan giải ách.

Mâm cơm cúng rằm thường bao gồm những lễ vật gì?

Lễ vật dùng được cúng rằm thường khá giản dị vì ông bà ta cho rằng quan trọng phải là lòng thành tâm kính lễ. Cụ thể thì gia đình sẽ phải chuẩn bị một mâm cơm bao gồm những lễ vật sau đây:

  • Hương
  • Hoa quả (lưu ý không được dùng quả còn xanh, hoa cũng phải là hoa tươi).
  • Trầu cau
  • Nước và rượu (lưu ý không được dùng nước lã)
  • Tiền vàng…

Ngoài lễ chay thì gia đình còn có thể cúng thêm một mâm lễ mặn bao gồm thịt gà luộc, rượu và các món mặn khác. 

Mâm cúng rằm tháng giêng

Vào dịp rằm tháng giêng thì đặc biệt hơn, gia đình phải chuẩn bị 3 mâm cơm, một mâm cúng ngoài trời, mâm dành cho gia tiên và mâm dành để cúng phật:

  • Mâm cơm cúng gia tiên gồm 4 bát, 6 đĩa đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, bùi. Trong đó thì vị mặn là của nước chấm, vị cay của ớt, vị ngọt của bánh, bùi của đậu, lạc, vừng…, vị chua của nộm hoặc dưa muối. Các vị này tượng trưng cho sự hài hòa âm dương trong cuộc sống. Cụ thể thì mâm gia tiên phải có đủ:
  • 4 bát: bát mọc, miến, bóng, ninh măng
  • 6 đĩa: đĩa thịt lợn hoặc thịt gà, nem thính, dưa muối, xôi, giò chả và nước chấm.

Mâm lễ phật:

  • Bánh trôi nước
  • Bát canh măng nấm hoặc canh củ quả
  • Chè xôi, hoa quả
  • Các món từ đậu

Mâm cúng ngoài trời:

  • Bình hoa
  • Đĩa trái cây
  • Gà luộc
  • Cháo trắng
  • Giấy tiền
  • Bánh kẹo

Bài văn khấn rằm

Văn khấn rằm bao gồm một bài văn khấn dành cho Thổ công cùng chư thần và Văn khấn gia tiên. Các bạn có thể tham khảo 2 bài văn mẫu được trích từ sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” của nhà xuất bản Hồng Đức ngay sau đây:

Văn khấn thần Thổ Công và các vị thần

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

– Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư phật mười phương

– Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vi Tôn thần

– Con kính lạy ngài Đông Thần quân

– Con kính lạy ngài Bản gia Thổ Địa, Long Mạch

– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Phúc đức Tôn thần

– Con kính lạy ngài Tiền hậu Địa chủ Tài thần

– Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong xứ này.

Tín chủ chúng con là: …………………………………….

Ngụ tại:………………………………………………………

Hôm nay là ngày…… tháng…… năm…., tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân, trà quả, đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa, Long Mạch, Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong xứ này.

Cúi xin các Ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia bình an, công việc hanh thông, lộc tài thăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Giãi tấm lòng thành cúi xin được phù hộ độ trì và chứng giám.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Cẩn cáo!

Văn khấn Gia tiên

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương

– Kính lạy ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Ngũ Phương Ngũ Thổ, Phúc đức chính Thần.

– Con kính lạy các ngài Thần linh cai quản trong xứ này.

– Các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ

– Thúc bá đệ huynh và các hương linh nội, ngoại trong họ.

Hôm nay là ngày …….. tháng ….. năm …………..

Tín chủ con là …………………………………………….

Ngụ tại ……………………………………………….. cùng toàn gia quyến.

Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật, trà quả bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời:

Các vị Tôn thần cai quản trong xứ này

Hương hồn Gia tiên nội, ngoại

Cúi xin các Ngài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Phù trì tín chủ chúng con:

Toàn gia an lạc, mọi việc hanh thông

Người người được chữ bình an,

Tám tiết vinh khang thịnh vượng,

Lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang

Sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Cẩn cáo!

Vừa rồi là đôi điều cần biết về lễ cúng rằng tháng giêng cũng như rằm hàng tháng. Như chúng ta đã thấy thì đây là những ngày lễ vô cùng quan trọng,  mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với tín ngưỡng văn hóa của người Việt Nam. Để thực hiện được nghi lễ đúng chuẩn thì ngoài lòng thành tâm, bạn hãy tham khảo thông tin về lễ vật cũng như hai bài văn khấn theo mẫu ở trên nhé.

=> Khúc hát sum vầy cho mọi nhà và bầy trẻ thơ

=> List nhạc xuân hay nhất phải nghe mỗi khi xuân về

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *