“Tùng dinh dinh…cắc tùng tùng dinh dinh”, giai điệu ấy lại ngân lên rồi. Giờ đây, rong ruổi khắp mọi nẻo đường trên bản đồ hình chữ S, những bản nhạc trung thu quen thuộc đã ríu rít vang lên nghe rất vui tai.
Vì sắp đón chào thêm một tết trung thu ý nghĩa, bài viết sẽ giúp mọi nhà cùng sống lại những ký ức qua những bản nhạc thiếu nhi trung thu thân quen.
Tết Trung thu ở Việt Nam gắn liền với những hình ảnh thú vị nào?
Tết Trung thu đúng với tên gọi của nó, đây là lễ hội rơi vào thời điểm giữa mùa thu, tức là 15/8 (âm lịch) hằng năm. Tết Trung thu diễn ra với sự hân hoan, chào đón của mọi người dân trên cả nước, đặc biệt là trẻ em.
Trung thu mang nhiều ý nghĩa đối với trẻ thơ và cả người lớn. Đây là dịp để gia đình sum vầy bên bữa cơm gia đình, những đứa trẻ tung tăng và vui mừng vì được nhận những món quà từ người lớn,… Trung thu ở Việt Nam gắn liền với nhiều hình ảnh quen thuộc mà mỗi khi gợi nhắc thì ai ai cũng biết ngày tết đoàn viên sắp tới gần.
Múa Lân
Vào dịp Trung thu, hầu như mọi ngóc ngách của đường phố đều thấy bóng dáng của con Lân. Đây là con vật tượng trưng cho sự may mắn, an khang, tài lộc cho mọi nhà. Đám múa Lân để sinh động hơn thì phải có tiếng trống kèm theo. Cứ thế mà đám Lân đi trước còn đoàn người theo sau tạo nên một khung cảnh hết sức sôi động.
Múa Lân là tiết mục thu hút khá đông sự tò mò của những đứa trẻ.
Múa Lân thường diễn ra trước Tết Trung thu tầm 5 – 6 ngày. Những đứa trẻ thích thú trình diễn thú vui này để tạo không khí nhộn nhịp, đón chào lễ Trung thu sắp tới. Nhiều người lớn yêu mến các em nên sẽ thưởng tiền cho các em vì tiết mục múa Lân xuất sắc.
Bánh trung thu
Trung thu không thiếu hình ảnh của những chiếc bánh đa sắc, đa vị. Đây là thứ bánh tượng trưng cho sự sum vầy, là thứ bánh luôn luôn hiện hữu trong mâm cúng trăng.
Bánh trung thu thường có 2 loại phổ biến: bánh nướng và bánh dẻo. Đối với bánh dẻo thì loại bánh này đa phần có vị ngọt và được làm từ nhân đậu xanh hay hạt sen là chủ yếu. Riêng bánh nướng thì hay có vị mặn, phần nhân thì có thêm trứng muối và lạp xưởng rất thơm ngon.
Lồng đèn
Những chiếc lồng đèn bằng giấy luôn là hình ảnh bất diệt nằm trong tiềm thức của mỗi đứa trẻ. Cứ đến trung thu, tụi nhỏ lại rủ nhau tự tay làm những chiếc lồng đèn để cùng đón trung thu. Tuy đơn giản, thô sơ nhưng lại chất chứa bao kỷ niệm và nỗi niềm thơ ấu.
Vào ngày này, thiếu nhi trên mọi tỉnh thành háo hức chuẩn bị những chiếc lồng đèn đa dạng kiểu dáng: cánh bướm, ông sao, ếch, mèo, sư tử,… Cả đám dắt díu nhau cùng rước đèn dưới nền nhạc trung thu sôi động rất vui nhộn. Dù ngày nay cơ sở vật chất hiện đại hơn, những chiếc lồng đèn bằng giấy dần được thay thế bằng lồng đèn sắt. Thế nhưng, một bầu trời ký ức đơn giản từ những chiếc lồng đèn tự làm vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí thế hệ từng trải.
Nhạc trung thu
Nếu đi trên đường, bạn sẽ dễ dàng nghe được những giai điệu từ liên khúc nhạc trung thu thiếu nhi. Những bản nhạc vang lên nhằm báo hiệu một mùa trung thu sắp đến và khơi gợi trong tâm hồn mỗi người một thứ cảm xúc vui mừng và hân hoan.
Điểm danh những bản nhạc thiếu nhi trung thu hay nhất một thời
Còn chưa đầy 5 ngày nữa là đến Tết Trung thu, giờ đây mọi cung đường trên thành phố và nông thôn đã bắt đầu vang lên những bản nhạc thiếu nhi trung thu. Nhiều hàng quán đã bắt đầu buôn bán những vật phẩm như: lồng đèn, bánh trung thu, đồ kỳ lân,… để đón chào Tết Trung thu đang đến gần kề.
Không ngẫu nhiên mà người ta gọi Tết Trung thu là Tết thiếu nhi. Bởi lẽ gắn mác đây là tết dành cho trẻ em, nên những bản nhạc trung thu được sáng tác hầu hết mang ca từ vui nhộn và sôi động, phù hợp với trẻ thơ. Cùng sống lại những ký ức tuổi thơ qua liên khúc nhạc trung thu quen thuộc một thời:
- Rước đèn tháng tám: Bài hát được sáng tác bởi nhạc sĩ Đức Quỳnh và do bé Xuân Mai thể hiện đã từng gây bão một thời. Khoan nói về bài hát, chỉ cần nhắc đến bé Xuân Mai là hầu như ký ức tuổi thơ trong mỗi người lại ùa về. Với ca từ dễ nhớ, vui nhộn; “Rước đèn tháng tám” đã trở thành một bản nhạc trung thu bất hủ qua biết bao thế hệ.
- Chiếc đèn ông sao: Chỉ cần gõ trên thanh công cụ để tìm kiếm “ca nhạc trung thu hay nhất” thì bài hát này đã có một vị trí ưu tiên từ lâu trên các website. Đây là bản nhạc Tết Trung thu được sáng tác bởi nhạc sĩ Phạm Tuyên tài năng. Từ lâu, bài hát đã gắn liền với biết bao kỷ niệm đáng nhớ của trẻ thơ trong mỗi độ Trung thu về.
“Chiếc đèn ông sao” – Bài hát trở thành một phần ký ức khó quên của mỗi người vào mỗi dịp Trung thu.
- Sự tích chú Cuội: Xuất phát từ một câu chuyện cổ tích, nhạc sĩ Yên Lam đã sáng tác bài hát này để đón Trung thu. Với ca từ dễ thương và giai điệu giống như đang kể chuyện, bài hát đã gây ấn tượng mạnh đối với trẻ em lẫn người lớn.
Bên cạnh đó, tuyển tập những bài nhạc trung thu hay nhất một thời còn có sự góp mặt của những bản nhạc đình đám sau: Vầng trăng cổ tích, Bà ơi chú Cuội, Thằng cuội, Đêm trăng trung thu, Đèn kéo quân, Múa Lân,…
Ca sĩ nổi tiếng nào gắn liền với những bản nhạc trung thu hay?
Mỗi khi nhắc đến nhạc Tết Trung thu, chúng ta không thể bỏ qua những tên tuổi đã làm nên thương hiệu nhờ những bài hát Trung thu. Nhạc trung thu được thể hiện đa dạng qua giọng ca của những ca sĩ nhí như: bé Bảo An, bé Xuân Mai,… Bên cạnh đó, những ca sĩ nổi tiếng đã có một thời gắn liền với những ca khúc Trung thu phải kể đến: Hạnh Nguyên, Thùy Chi, nhóm M4U,…
Tựu trung lại, họ là những người giúp từng bài hát Trung thu đến gần hơn với thiếu nhi và cả người lớn. Nhờ những bài hát này mà tên tuổi của họ được nhiều khán giả biết đến hơn.
Trung thu sắp đến gần, những đứa trẻ lại háo hức vì được nhận quà, người lớn thì hồi niệm lại tuổi thơ qua những bản nhạc Trung thu quen thuộc. “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài, cán cao quá đầu…”, giai điệu ấy quá đỗi quen thuộc đối với các thế hệ bây giờ và sau này.