Tôi bị bướu cổ lành tính gần 2 năm nay, nhưng thỉnh thoảng tôi cảm thấy khó thở, nghẹn… và muốn phẫu thuật, liệu có được không? (Vân Anh, Bình Dương)
Câu trả lời:
Bướu cổ lành tính (y học gọi là bướu cổ) là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển quá mức hoặc không đồng đều, với biểu hiện là tuyến giáp tăng kích thước, sưng to bất thường. Đây là một trong những rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Đa số bệnh bướu cổ lành tính không nguy hiểm. Tuy nhiên, bướu nhân lành tính lớn cũng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh (liệt dây thần kinh phế quản, hội chứng Horner và liệt dây thần kinh thanh quản tái phát). Các tổn thương này sẽ hết sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Ngoài ra, tuyến giáp quá lớn, chèn ép lên thực quản khiến người bệnh khó nuốt, ảnh hưởng đến việc ăn uống, thiếu chất dinh dưỡng.
Tùy theo nguyên nhân gây ra bướu cổ lành tính mà bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, với những người bướu nhỏ, chức năng tuyến giáp bình thường, không nuốt vướng, khó thở… sẽ được theo dõi và khám định kỳ mà không cần điều trị. Người bệnh điều chỉnh chế độ ăn (bổ sung các thực phẩm giàu i-ốt như hải sản, sò, ngao, dùng muối i-ốt thường xuyên). Bướu nhân to, ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, gây khó nuốt, khó thở… Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ Khoa Nội tiết – Đái tháo đường sẽ chỉ định dùng thuốc (điều trị nội khoa), xạ trị, phẫu thuật.
Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi các phương pháp khác đã thất bại. Những người có bướu lớn thường có vấn đề về đường thở, điều này có thể gây phức tạp cho phẫu thuật. Khí quản có thể bị lệch khiến cho việc đặt nội khí quản khi gây mê khó khăn hơn cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ: hạ canxi máu tạm thời hoặc vĩnh viễn do tuyến cận giáp bị tổn thương, mất nhiều máu, ảnh hưởng đến dây thanh, khiến bệnh nhân bị khàn, câm, có sẹo trước cổ …
Tùy theo mức độ và tình trạng của bướu cổ mà bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường sẽ có chỉ định phẫu thuật. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật tuyến giáp khi các loại thuốc kháng giáp, xạ trị đường uống không hiệu quả khiến tình trạng cường giáp tái phát; tuyến giáp bị viêm nặng hoặc bướu cổ kích thước lớn (độ 2-3) đã được điều trị nội khoa ổn định (tăng cân, hết run, không hồi hộp, tim đập bình thường, mạch nhanh). Những bệnh nhân có vấn đề về mắt hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức ảnh hưởng đến mắt cũng cần được phẫu thuật.
Với phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Kết quả là tuyến giáp có thể không hoạt động nữa hoặc hoạt động kém nên bệnh nhân dễ bị suy giáp, cần được tiếp tục bổ sung hormone tuyến giáp.
Phẫu thuật bướu cổ là một kỹ thuật khó, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, bác sĩ phẫu thuật và gây mê hồi sức có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm. Những bướu cổ lớn gây ra nhiều vấn đề về đường thở và có thể biến chứng phẫu thuật. Khí quản có thể bị lệch gây khó khăn cho việc đặt nội khí quản để gây mê cho bệnh nhân.
Bướu cổ lành tính không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tuy nhiên người bệnh cần đi khám sức khỏe định kỳ và đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được theo dõi, chỉ định siêu âm, xét nghiệm. khi có bất thường (kích thước bướu cổ tăng đột ngột, đau nhức …).
BS CKI Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.