Tại Việt Nam, cuộc thi giải toán ViOlympic trên Internet hiện đang là cuộc thi phổ biến nhất dành cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Từ khi ra đời đến nay, cuộc thi đã trở thành một người bạn đồng hành với học sinh trên toàn quốc trong việc rèn luyện và nâng cao kiến thức toán học. Cùng nhìn lại những con số ấn tượng gắn liền với sự phát triển của ViOlympic ngay tại nội dung bài viết sau đây.
Cuộc thi ViOlympic là gì?
Trước khi đề cập đến những số liệu ấn tượng của ViOlympic, một số thông tin cơ bản về cuộc thi này sẽ được bật mí đầu tiên.
ViOlympic là một cuộc thi giải toán trên Internet được tổ chức cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Cuộc thi này được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Tập đoàn FPT tổ chức trong đó, Trường Đại học FPT là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Học sinh có thể tham gia làm bài thi bằng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và Tiếng Anh, tên gọi của hai loại bài thi này lần lượt là ViOlympic Toán Tiếng Việt và Toán Tiếng Anh. Ngoài môn Toán, hiện nay cuộc thi ViOlympic đã có thêm bộ môn Vật lý dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.
Những con số ấn tượng từ ViOlympic
Chặng đường 10 năm đồng hành cùng học sinh Việt Nam
Tháng 7 năm 2008, ý tưởng về cuộc thi được Tiến sĩ Lê Thống Nhất đề xuất với Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển. Sau một khoảng thời gian lên kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện, vào cuối tháng 12 cùng năm, buổi lễ phát động cuộc thi diễn ra tại trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) chính thức đánh dấu sự ra đời của ViOlympic.
Như vậy, đến nay cuộc thi toán ViOlympic đã được tổ chức liên tục trong 10 năm và đang bước sang năm thứ 11. Nhìn lại chặng đường phát triển suốt 10 năm vừa qua, chúng ta có thể dự đoán rằng cuộc thi sẽ ngày càng phát triển và nâng cấp về mọi mặt như nội dung, kiến thức môn học và cả các yếu tố liên quan đến kỹ thuật.
Phủ sóng 63 tỉnh thành – 713 quận/ huyện
Ưu điểm nổi bật nhất của hình thức thi qua mạng chính là loại bỏ các rào cản về mặt địa lý, tạo ra một sân chơi để học sinh trên toàn quốc có thể giao lưu, thi đấu và cùng nhau nâng cao kiến thức của bộ môn toán học. Do đó ViOlympic đã thực sự thành công khi thu hút được số lượng lớn học sinh tại tất cả 63 tỉnh thành và 713 quận/ huyện trên đất nước ta cùng tham gia.
Xét trên một phương diện nào đó, cuộc thi Violympic đem đến cơ hội công bằng hơn khi cho tất cả mọi học sinh được tham dự tranh giải. Cùng với đó, khi thành tích được xếp hạng dựa trên mặt bằng chung của học sinh khắp cả nước thì việc đánh giá càng thêm phần chính xác, giúp học sinh có động lực để tiếp tục tích lũy, trau dồi kiến thức.
Gần 31 triệu tài khoản trên trang chính thức của ViOlympic
Hiện nay, để tham gia dự thi Violympic, các bạn học sinh cần đăng ký tài khoản trên trang web cuộc thi toán ViOlympic.vn. Sau đó, tiến hành đăng nhập ViOlympic và thực hiện các bài thi trong thời gian quy định. Con số tài khoản được thống kê tới thời điểm hiện tại đã lên đến con số gần 31 triệu. Với số lượng thành viên của cuộc thi là 10.000 học sinh trong năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi chứng minh sự phát triển không ngừng khi chạm đến số lượng người đăng ký tài khoản hiện tại.
Mặc dù con số này không hoàn toàn tương đương với số lượng học sinh tham dự các cuộc thi và vẫn có những tài khoản chưa xác định danh tính nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ, không hề tạo nên bất kỳ ảnh hưởng nào đến chất lượng việc đánh giá hay trao giải, đồng thời cũng giúp chúng ta thấy được rằng có rất nhiều người không trực tiếp tham gia nhưng vẫn quan tâm đến cuộc thi này.
Ngoài ra, một thông tin liên quan khác đó là hàng tháng, trang web của cuộc thi đón tới hơn 2 triệu người truy cập. Con số này cho thấy các thông tin liên quan đến cuộc thi toán ViOlympic nhận được nhiều sự quan tâm đến từ công chúng nói chung chứ không chỉ riêng bộ phận học sinh hay các bậc phụ huynh.
Rút gọn chỉ còn 10 vòng thi
Năm đầu tiên tổ chức, thí sinh phải trải qua tất cả 35 vòng thi trong đó từ vòng 1 – 20 là cấp trường, vòng 21 – 25 là cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, vòng 26 – 30 là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, còn lại là vòng thi cấp quốc gia. Hình thức thi này được duy trì trong 2 năm sau đó.
Năm học 2010-2011, ban tổ chức giảm tải số vòng thi của ViOlympic xuống con số 19, số lượng vòng thi theo các cấp cũng giảm xuống. Theo quy định mới của cuộc thi thì chỉ có lớp 5, lớp 9, lớp 12 – những lớp cuối cấp mới tổ chức vòng thi thứ 19, cũng là vòng thi cấp quốc gia.
Trong năm 2018 vừa qua, cuộc thi chứng kiến nhiều thay đổi lớn khi liên tiếp giảm số vòng thi. Vào tháng 4, ViOlympic giảm còn 13 vòng và bắt đầu áp dụng hình thức thi leo dốc cho vòng thi cấp quốc gia. 5 tháng sau đó, giảm tải lần hai đưa tổng số vòng thi xuống chỉ còn 10 vòng và áp dụng leo dốc với tất cả các vòng. 6 vòng đầu tiên sẽ có thời gian làm bài 30 phút và 4 vòng sau học sinh sẽ có 45 phút.
Với cách thức thi mới có số lượng vòng thi rút gọn, các thi sinh tham gia cuộc thi sẽ được giảm tải rất nhiều tránh trường hợp phải tham gia thi liên tục. Đồng thời, việc đánh giá, phân nhóm và lựa chọn các thí sinh xuất sắc hơn cho các vòng thi sau cũng vẫn đảm bảo chính xác và đáng tin cậy.
Trên thực tế, các vòng thi của ViOlympic không chỉ yêu cầu thí sinh ghi nhớ kiến thức cơ bản mà còn cần có khả năng vận dụng linh hoạt trong nhiều trường hợp để giải toán. Do đó, nếu các bạn thí sinh muốn tự luyện Violympic thì sau khi nắm vững nền tảng kiến thức theo khối lớp, có thể tìm thêm các đề hoặc ứng dụng luyện thi ViOlympic Toán giúp nâng cao khả năng giải Toán, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc thi.